Bắt đầu từ việc ngồi chơi và bẻ lõi dây điện, người đàn ông này thấy khá hay và thú vị nên sáng tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Đến nay, anh đã thu về gần 300 triệu đồng mỗi năm.
Cách đây hơn chục năm, trong một lần ngồi chơi, anh Đỗ Nhật Tiến, trú tại Xuân Phú (Xuân Lộc, Đồng Nai) lấy dây điện bẻ ra và thấy chúng uốn cong rất dễ dàng. Tiện tay, anh uốn luôn thành một cái cây đơn giản và ngắm nghía chúng.
Sẵn đam mê làm cây kiểng trong mình, anh suy nghĩ nhiều ngày về việc biến lõi dây điện thành các cây bonsai nghệ thuật để chơi. “Hồi đó, công nghệ thông tin chưa phát triển như bây giờ. Ở nước ta, các sản phẩm dạng này cũng hiếm người làm nên tôi không biết tìm ở đâu. Tôi phải tự mày mò để làm ra các sản phẩm này”, anh kể lại.
Một cây bonsai làm từ dây đồng nhiều màu sắc.
Để sản phẩm của mình giống thật nhất, anh đã phải nghiên cứu rất kỹ về cây cảnh bonsai. Từ cánh hoa, chiếc lá hay thân, rễ của cây… anh đều phải tìm hiểu rất nhiều và tự tìm cách làm sao cho nó giống thật. Đặc biệt, cách uốn thân và cành cần phải có độ mềm mại nhất định sao cho nó giống tự nhiên nhất.
Không chỉ về cách làm, nguyên liệu để làm cây là những dây đồng, dây nhôm nhiều màu sắc cũng không nhiều như bây giờ. Việc tìm kiếm để làm gặp khá nhiều khó khăn.
“Khi đăng những sản phẩm của mình lên mạng xã hội, nhiều người tỏ ra thích thú và hỏi tôi về cách làm. Tôi cũng thật tâm chia sẻ, tính đến giờ tôi đã hướng dẫn được vài trăm người rồi. Có thể nói, tôi là một trong những người đi tiên phong trong bộ môn nghệ thuật này ở nước ta, và đến giờ được nhiều người trong nghề biết đến”, anh cho hay.
Anh Tiến đang chỉnh lại một số chi tiết chưa ưng ý.
Tuy nhiên, theo anh, đa số những người làm cây bonsai bằng dây đồng, dây nhôm bây giờ đều cho ra các sản phẩm na ná nhau. Và những người bình thường sẽ cho rằng các sản phẩm đó đẹp, nghệ thuật nhưng với người có con mắt nghệ thuật, các cây đó lại lỗi rất nhiều.
Nói cụ thể hơn về điều này, anh Tiến thẳng thắn: “Cũng giống như cây thật, những cây này đều phải có tay cành, dáng thế chuẩn bonsai mới đẹp. Người làm phải am hiểu về kiến thức cây kiểng mới có thể cho ra được một sản phẩm ấn tượng và đẹp mắt được”.
Bên cạnh đó, người làm tác phẩm này cần phải tỉ mỉ, kiên nhẫn và khéo tay để làm sao cho tác phẩm của mình giống thật và nhìn tự nhiên nhất.
Một cây bonsai anh thường dành 2-3 ngày, thậm chí là phải mất 10 ngày mới có thể hoàn thiện. Nhưng giá trị của nó đem lại không hề thấp, nó giúp anh vừa thỏa mãn đam mê, lại vừa kiếm thêm thu nhập.
“Tùy theo kích thước và nguyên liệu làm mà có giá khác nhau, giá dao động từ vài trăm đến hơn chục triệu đồng. Có tác phẩm kết hợp với đá quý, tôi bán với giá 15 triệu đồng. Chậu đó nặng tầm 10kg và cây cao khoảng 70cm”, anh Tiến thông tin.
Một số tác phẩm của anh Tiến.
Càng về cuối năm, anh nhận được càng nhiều đơn đặt hàng. Mỗi ngày, anh phải làm đến 3-4h sáng để kịp đơn trả cho khách. Đến thời điểm này, anh không dám nhận bất kỳ đơn nào vì không có đủ thời gian làm kịp trả khách.
Tiết lộ thêm về thu nhập, anh cho biết một năm anh thu về khoảng 200-300 triệu đồng từ bán các sản phẩm này. Và anh cho rằng bản thân rất may mắn khi làm nghề này, bởi anh biết nhiều người cũng theo đuổi bộ môn này nhưng đầu ra rất khó khăn. Anh mong muốn bộ môn này sẽ trở thành một ngành nghề ở nước ta để có thể dễ dàng bán trên thị trường trong nước và trên thế giới.
Nguồn: http://danviet.vn/kiem-vai-tram-trieu-moi-nam-nho-ngoi-nghich-day-dien-50202124114495943.html
0 Nhận xét